Một ngôi nhà đẹp, một không gian sống tiện ích đủ đầy sẽ càng trở nên ấm áp biết bao nhiêu khi chứa đựng trong đó những trái tim yêu thương. Với mong muốn mang đến cho riêng “Góc chuyên gia” cho chủ đề này. Đây là nơi chúng ta sẽ được lắng nghe chia sẻ từ những chuyên gia các mảng tâm lý, xã hội học… về những vấn đề trong đời sống gia đình. Đây cũng là nơi quý vị có thể bày tỏ hay chia sẻ những kinh nghiệm của mình, cách tạo dựng một gia đình hạnh phúc. Mong góc nhỏ này sẽ là nơi gắn kết hơn mỗi thành viên trong gia đình.
Bài viết đầu tiên, chúng ta cùng gặp gỡ Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy – giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện tại Tp. Hồ Chí Minh.
Thưa Ts. Phạm Thị Thúy, nhiều năm trở lại đây mọi người thường nói rằng xã hội hiện đại quá, mọi thứ tiện dụng quá… Ai cũng có cái điện thoại thông minh, rồi mạng xã hội hấp dẫn quá nên người ta chỉ chăm chăm vào nó và quên mất việc giao tiếp trực tiếp với nhau. Với người trẻ thì lại càng bị mãng xã hội quyến rũ nhiều hơn. Đó có phải là nguyên nhân dẫn đến việc mất kết nối giữa mọi người, đặc biệt là giữa những thế hệ trong gia đình.
Nhận định đó hoàn toàn chính xác. Điện thoại và mạng xã hội không có lỗi nhưng quả thật rất nhiều thân chủ của tôi đã coi đó là kẻ thù vì phá hoại hạnh phúc gia đình. Chồng đi làm về chỉ ôm điện thoại quên vợ con hoặc ngược lại. Thậm chí, có đôi quên cả chuyện “yêu” luôn. Con cái ghét điện thoại của ba mẹ vì ba mẹ quý, cưng và ôm điện thoại nhiều hơn ôm con. Và rất nhiều gia đình từ ngày trót dại mua điện thoại cho con đã phải than với tôi rằng như “mất con” vì nó quên ba mẹ rồi, quên ăn quên học luôn suốt ngày chỉ ôm điện thoại…
Cha mẹ thường hay cho mình đúng, cho mình quyền làm cha làm mẹ để áp đặt con cái. Đó có phải là nguyên nhân khiến khoảng cách giữa các thế hệ trở nên xa hơn?
Sự áp đặt luôn gây khó chịu và chia cắt các mối quan hệ. Giữa cha mẹ và con cái có sự áp đặt từ cha mẹ sẽ tạo nên quan hệ rạn nứt mâu thuẫn. Con còn nhỏ khi áp đặt, bề ngoài các cháu nghe lời vì phải nghe không có cách nào khác, vì sợ roi, V.V… nhưng với những trẻ cá tính, thông minh và nhất là khi lớn lên trẻ sẽ không chấp nhận sự áp đặt, trẻ sẽ phản kháng, chống đối ngấm ngầm hoặc công khai. Dù ở tuổi nào càng áp đặt cha mẹ càng áp đặt càng đẩy con ra xa, sự tổn thương, sự lạnh mạt, sự vô cảm, sự thiếu tôn trọng cha mẹ sẽ dần xuất hiện… tùy mức độ áp đặt. Thời nay trẻ tiếp cận thông tin đa chiều và nhanh hơn cha mẹ qua nhiều kênh sách báo mạng internet. Nếu cha mẹ áp đặt vô lý trẻ sẽ không phục và từ đó sẽ bỏ ngoài tai mọi lời dạy của cha mẹ bất chấp đúng sai, đó là khi trẻ đóng lòng với chúng ta.
Cha mẹ trò chuyện phân tích đúng sai để thuyết phục con sẽ tránh được lỗi áp đặt, Cha mẹ chỉ nên áp đặt ngay biện pháp ngăn chặn hành vi nguy hiểm tức thời cho trẻ như trẻ đang mon men nghịch đồ điện, dao kéo… nhưng sau đó cũng phải phân tích đúng sai, tác hại của hành vi đó cho trẻ từ đó dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân nào khác thưa chị?
Có nhiều nguyên nhân khác khiến cha mẹ xa cách với con cái. Nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi quá nhanh của tất cả mọi thứ trong xã hội chúng ta đang sống khiến thế giới của cha mẹ và con ngày càng khác biệt. Tuổi thơ của cha mẹ khá gắn bó và cũng hoàn cảnh với thế hệ ông bà, nhưng thời nay tuổi thơ của con cháu chúng ta khác rất xa tuổi thơ của cha mẹ nên chúng ta không chia sẻ với nhau được nhiều lắm nhiều không là quá ít.
Nguyên nhân nữa là khác biệt giữa cách dạy và cách học của thế hệ trẻ hiện nay là quá lớn so với thế hệ cha mẹ nên cha mẹ hầu như không thể kèm con học, trẻ phải học thêm ở trường, ở trung tâm, từ gia sư chứ không phải từ cha mẹ nên thời gian tương tác giữa cha mẹ và con ngày càng ngắn dần theo tuổi tác của con. Nguyên nhân thứ 3 là bản thân cha mẹ thời nay đang quá bận rộn cho những áp lực từ cuộc sống hiện đại nên dù họ rất muốn cũng khó có nhiều thời gian chăm sóc, nuôi dạy, vui chơi cùng con…
Mọi người hay nói “làm bạn với con”. Nhưng thực sự “làm bạn với con” là làm bạn như thế nào? Làm sao để thực sự là bạn của con?
Với những nguyên nhân phân tích ở trên, làm bạn với con thời nay không dễ. Cha mẹ cần sống với thế giới của trẻ thơ, hòa mình vào môi trường của trẻ, cùng khám phá các sở thích của trẻ,… mới có thể hiểu được con mình phần nào. Và rất quan trọng là cha mẹ phải ngừng áp đặt, thay vào đó là sự tôn trọng, lắng nghe học hỏi từ con…
Con cái có phải là sợ dây kết nối vững chắc nhất để gắn kết gia đình hay không?
Sợi dây vững chắc nhất để giữ vững sự gắn kết gia đình là thái độ tôn trọng lẫn nhau trong tình yêu thương giữa mọi thành viên. Có tôn trọng mới có chấp nhận lẫn nhau để mọi thành viên được sống là chính họ trong gia đình, để học được vui vẻ, hạnh phúc khi đó họ mới có niềm vui muốn lan tỏa tới người kahcs để người khác cũng hạnh phúc.
Chị gần gũi với sinh viên nhiều thế hệ, áp lực của họ trong việc bị ngắt kết nối với gia đình thế nào và nó gây hậu quả gì?
Nhiều em sinh viên tâm sự với tôi về gia đình em bị bất hòa, cha mẹ em có xung đột bản thân em xung đột với cha mẹ… sự ngắt kết nối với gia đình có nhiều lý do. Hậu quả là các em chán nản, thất vọng, mất chỗ dựa tinh thần và cả vật chất từ gia đình. Những em trong hoàn cảnh đó thường có nhiều vấn đề tâm lý, những bất ổn trong đời sống nội tâm, mất định hướng cho tương lai, thiếu tình yêu thương từ cha mẹ… nên dễ học kém, ham chơi, yêu sớm.
Thời hiện đại mỗi người đều có áp lực công việc riêng. Vì vậy mà vợ/chồng hầy như có thế giới riêng của mình, cũng là nguyên nhân làm cho khoảng cách xa hơn phải không thưa chị? Làm sao để phá bỏ khoảng cách đó?
Đúng vậy. Cha mẹ ai cũng bận rộn và nhiều áp lực, mỗi người một thế giới riêng. Muốn gắn kết tình cảm vợ chồng cần nhơ vợ chồng là một gia đình, em với anh tuy 2 mà 1. Nhớ điều này để biết trân trọng gia đình, trân trọng bạn đời, từ đó sẽ bớt chúa tâm vào công việc, Người nào chọn gia đình và ưu tiên số 1, công việc là số 2 người đó mới có sự dành thời gian và đầu tư vào các thành viên gia đình mà họ yêu thương. Người nào mải mê lao vào công việc, lao vào kiếm tiền người đó sớm muộn cũng sẽ mất tất cả. Tổng thống mỹ Benjamin từng nói” dù là vua hay dân cày ai tìm được hạnh phúc gia đình người đó mới thực sự hạnh phúc”. Và khi hạnh phúc gia đình hiện hữu thì mỗi người sẽ khỏe hơn có động lực làm việc hơn và họ thành công bền vững hơn.
Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ thưa chị?
Muốn rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ thời nay rất cần mỗi người cả cha mẹ và con cái biết mở lòng với người kia, bỏ cái tôi ích kỷ chỉ biết đòi hỏi, áp đặt, hay đơn giản chỉ là tập bỏ điện thoại xuống khi về nhà để thực sự dành thời gian cho nhau, quan tâm đến nhau, lắng nghe nhau nhiều hơn. Tình yêu thương và ý thức trách nhiệm vì gia đình sẽ cho chúng ta món quà vô giá “tổ ấm” để mỗi người đều cảm thấy không nơi đâu bằng nhà mình…
Xin cảm ơn tiến sĩ!
Trích tập san “SÁNG ĐÈN” – Việt Nhân Group